Thời điểm này, nhiều người nuôi tôm tại một số tỉnh miền Tây đang "rầu thúi ruột" vì tôm rớt giá trong khi chi phí tăng vọt do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Người nuôi tôm tại tỉnh Bến Tre đang thu hoạch tôm - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Tại Sóc Trăng, nơi được mệnh danh là "thủ phủ tôm" với diện tích nuôi khoảng 50.000ha, giá tôm cũng giảm mạnh.
Ông Nguyễn Văn Mười (xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cho biết trước khi bùng phát đợt dịch bệnh COVID-19 thứ 4, giá tôm cỡ 30 con/kg được thương lái mua tại ao ở mức 145.000 - 150.000 đồng/kg, nhưng hiện tại giảm chỉ còn khoảng 130.000 đồng/kg.
"Không chỉ giảm giá, lợi nhuận của người nuôi tôm bị teo tóp lại, việc hạn chế đi lại cũng khiến khâu mua bán khó khăn, chi phí thuê người bắt tôm tăng mạnh", ông Mười than thở.
Vụ tôm năm nay, Sóc Trăng thả nuôi khoảng 50.000ha, hiện đang thu hoạch được khoảng 15.000ha.
Ông Hồ Quốc Lực - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) - cho biết giá tôm giảm còn do nguyên nhân các nhà máy giảm công suất chế biến xuống còn khoảng 30% so với trước đây.
"Tất cả chi phí đầu vào đều tăng mạnh, kể cả phí vận chuyển container. Trong lúc khó khăn, các nhà máy chế biến tôm tìm nhiều cách để hài hòa lợi ích giữa người nuôi và doanh nghiệp. Cố gắng giữ giá tôm tương đối tốt để người nuôi lạc quan, mạnh dạn đầu tư thì nhà máy mới có nguyên liệu chế biến, xuất khẩu", ông Lực cho hay.
Còn tại Bến Tre, giá tôm cũng giảm mạnh trong khoảng gần một tháng qua.
Bà Bùi Hồng Anh (ngụ huyện Thạnh Phú) cho biết gia đình bà vừa thu hoạch tôm xong. "Năm nay tôm trúng vụ nhưng giá giảm nhiều quá khiến thu không đủ bù chi. Nếu như tôm thẻ chân trắng loại 33 con trước đây bán được 150.000 đồng - 180.000 đồng thì nay chỉ có giá 118.000 đồng/kg. Còn loại 150 con giá chỉ có 45.000 đồng/kg. Trong khi tiền thuốc, thức ăn ngày càng tăng thì giá tôm rớt khiến người nuôi phần lớn đều thua lỗ".
Ngoài ra, tiền thuê người bắt tôm cũng tăng giá do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bởi những người đi bắt tôm buộc phải xét nghiệm COVID-19 nên họ cũng tính vào giá bắt tôm.
Bình thường, giá mỗi tay lưới (2 người sử dụng 1 tay lưới bắt tôm) chỉ có giá 800.000 đồng thì nay đội giá lên 1,5-2 triệu đồng. Chính những nguyên nhân này khiến người nuôi tôm chịu thiệt thòi, thua lỗ.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre, tỉnh có 50.000ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản. Tính đến năm 2021, Bến Tre đã triển khai được 45.747ha nuôi thủy sản, tổng sản lượng nuôi đạt hơn 295.000 tấn. Trong đó, có 36.000ha nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh, sản lượng tôm nuôi đạt khoảng 70.000 tấn.
Nguồn: tuoitre.vn