Tin tức

Italy: Tiêu thụ thủy sản giảm vì lệnhphong tỏa

Thứ bảy, 28/03/2020, 11:55

Italy: Tiêu thụ thủy sản giảm vì lệnhphong tỏa

Thứ 6, 27/03/2020 | 07:55 GTM +07

(vasep.com.vn) Các biện pháp khẩn cấp mới được áp dụng để ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 vào cuối tuần qua tại Italy - quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh- dự kiến sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu thụ hàng hóa, bao gồm cả thủy sản ở quốc gia này.

Ngày 8/3/2020, Thủ tướng Italy, Giuseppe Conte đã phê chuẩn một sắc lệnh phong tỏa 16 triệu dân vùng Lombardy và 14 tỉnh khác ở miền Bắc nước này. Lệnh phong tỏa này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 3/4. Khu vực bị phong tỏa này chiếm khoảng 1/4 dân số của Italy

Theo lệnh phong tỏa, các phòng tập thể hình, bảo tàng, night clubs sẽ bị đóng cửa. Các trung tâm mua sắm chỉ được phép mở cửa từ thứ Hai đến thứ Sáu. Các trường học trong cả nước đã bị đóng cửa vào đầu tuần trước.

Theo sắc lệnh, các quán bar và nhà hàng trong khu vực cách ly, được gọi là "khu vực màu cam – orange area", được phép mở cửa từ 6 giờ sáng đến 6 giờ với điều kiện đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1m giữa các khách hàng, trong khi trung tâm thương mại và chợ sẽ chỉ mở cửa từ thứ Hai đến thứ Sáu. Các sự kiện tôn giáo, văn hóa, đám cưới… đều đã bị đình chỉ.

Việc hạn chế giờ làm việc của các nhà hàng, trung tâm thương mại, chợ, đóng cửa trường học (kèm theo là việc đóng cửa căng tin) và nhiều hoạt động thương mại, cũng như yêu cầu những người có triệu chứng Covid-19 không ra ngoài, dự kiến ​​sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nữa tới việc tiêu thụ thủy sản trong những tuần tới.

Các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt mới ảnh hưởng đến 1/4 dân số Italy, cũng là một khu vực giàu có nằm ở phía Bắc của quốc gia này. Theo báo cáo của Ansa, nền kinh tế Italy “có thể đang suy thoái” và cho biết thêm rằng GDP dự kiến sẽ giảm 0,5% trong năm 2020 thay vì tăng 0,5% như các dự báo trước đây.

Tiêu thụ thủy sản giảm

Theo một Giám đốc điều hành của một trong những nhà phân phối thủy sản tươi và đông lạnh lớn nhất của Italy, tiêu thụ thủy sản đã giảm. Hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống của công ty đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ được bù đắp một phần bởi doanh số tăng nhẹ tại các siêu thị.

Đơn đặt hàng từ các nhà hàng Trung Quốc đã giảm khoảng 70-80%. Do các nhà hàng này chuyên về sushi và các sản phẩm cơm cuộn tôm, do đó các đơn đặt hàng cá hồi tươi và tôm của Ecuador cũng bị ảnh hưởng.

Việc tạm dừng hoạt động của các căng tin tại các trường học trên toàn quốc cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty. Các đơn đặt hàng thủy sản từ lĩnh vực nhà hàng đã giảm 20-70% tùy thuộc vào từng công ty. Giám đốc điều hành trên cho biết “Chúng tôi là một trong những nhà phân phối ít bị ảnh hưởng nhất vì chúng tôi cung cấp đa dạng các hoạt động bán lẻ, bán buôn, nhưng một số công ty khác đã mất khoảng 50-70% lợi nhuận của họ”.

Trong một vài tuần nữa, bức tranh về tác động của dịch bệnh sẽ rõ ràng hơn. Sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh đã khiến một số nhà phân phối và chế biến của Italy giảm giá, làm thị trường giảm giá sâu hơn.

Một nhà cung cấp tôm Argentina cho biết công ty này đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Italy. Ngoài ra, công ty cũng đã ghi nhận sự sụt giảm đơn hàng. "Chúng tôi cũng sẽ phải theo dõi rất kỹ tình hình ở châu Âu. Nếu hoạt động du lịch ngừng lại, tiêu dùng sẽ giảm. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ thủy sản. Chúng tôi đã nhận thấy vấn đề nghiêm trọng ở Italy trong ba tuần qua”.

 

(Theo undercurrentnews)

Cảm nhận khách hàng