Những thông tin từ kim ngạch xuất khẩu tôm tăng hay giá tôm nguyên liệu duy trì ở mức khá trong quý I/2024 vẫn chưa thể khỏa lấp hết nỗi lo của doanh nghiệp và người nuôi tôm khi những biến số bất trắc từ thị trường đang ngày một rõ ràng hơn, các khó khăn của người nuôi ngày một chồng chất hơn. Đó cũng là lý do vì sao ¼ thời gian của vụ tôm đã trôi qua nhưng tại các vùng nuôi tôm trọng điểm vẫn thiếu vắng sinh khí vốn có mỗi khi vào vụ.
Theo các doanh nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm quý I/2024 tăng 20% so cùng kỳ là tín hiệu tốt, nhưng tín hiệu này chưa nói lên mức độ lạc quan trong bối cảnh chung từ lĩnh vực nuôi đến thị trường vẫn còn đầy bất trắc. Đó là tình hình xung đột Trung Đông, Nga -Ukraine; là vụ kiện chống trợ cấp (CVD) với mức thuế sơ bộ cho con tôm Việt Nam là 2,84%; là giá tôm Việt Nam vẫn còn quá cao so với các đối thủ... Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, áp lực cạnh tranh với tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ là quá lớn đối với tôm Việt Nam. Còn tôm Indonesia thêm lợi thế là đã chứng minh không nhận trợ cấp từ Chính phủ nên không bị thuế CVD. Do đó, giá tôm nguyên liệu trong nước tuy không cao lắm, nhưng vẫn còn cao so với giá xuất khẩu, bởi giá tôm thế giới đang quá rẻ, nên các doanh nghiệp không có được đơn hàng dồi dào như trước, mà chỉ cầm cự để qua giai đoạn khó, chờ cơ hội mới.
Nghề nuôi vốn vất vả và đầy bất trắc nên cần có sự đồng hành thiết thực và hiệu quả hơn từ các bên liên quan trong chuỗi giá trị. Ảnh: TÍCH CHU
Đối với thị trường lớn như Nhật Bản, do đồng Yên mất giá kỷ lục, nên theo nhận định của doanh nghiệp, sức mua sẽ không thể mạnh. Còn tại thị trường EU, luôn đòi hỏi tôm nuôi đạt chuẩn an toàn (ASC), phải có giải pháp giảm phát thải (nuôi, chế biến), có truy xuất nguồn gốc tận gốc (thành phần thức ăn tôm, tôm bố mẹ…), đáp ứng phúc lợi động vật (tôm bố mẹ không cắt mắt khi sinh sản nhân tạo, nuôi mật độ vừa phải…). Riêng hai thị trường lớn khác là Trung Quốc và Mỹ tuy có sự tăng trưởng trở lại khá ấn tượng trong quý I vừa qua nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Đơn cử như thị trường Mỹ, bên cạnh vụ kiện chống trợ cấp vốn vẫn chưa có hồi kết thì vẫn còn đó sự cạnh tranh về giá ngày càng khốc liệt hơn với tôm của Ecuador, Ấn Độ và cả Indonesia nữa.
Bên cạnh khó khăn từ khách quan thì khó khăn từ nội tại ngành tôm mà câu chuyện về giá thành mới thật sự là rào cản sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường. Đây là câu chuyện đã được nói đến và bàn thảo khá nhiều nhưng đến nay vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Có rất nhiều nguyên nhân làm cho giá thành tôm nuôi Việt Nam cao đứng hàng đầu thế giới, nhưng chủ yếu vẫn là do tỷ lệ nuôi thành công còn quá thấp, chỉ khoảng 40%. Điều này cũng đã được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chỉ rõ qua các lần hội thảo, như: chất lượng tôm giống chưa đảm bảo, quy trình và mô hình nuôi chưa phù hợp nhưng người nuôi thì thiếu vốn để nâng cấp. Đó còn là tình trạng nuôi nhỏ lẻ, nuôi tự phát phá vỡ quy hoạch, gây thiếu nước sạch, môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh, mà trong đó đến nay, một số loại bệnh vẫn chưa có phác đồ điều trị hiệu quả, như: EHP, TPD…
Không chỉ ở vụ tôm năm ngoái mà ngay từ khi bước vào vụ tôm năm 2024 này, người nuôi đã phải đối mặt với khó khăn lớn đến từ dịch bệnh. Tôm thả nuôi thiệt hại trong vòng tháng, cầm cự kéo dài thì tháng rưỡi, thu tôm khoảng 200 con/kg thì chuyện thua lỗ là không có gì phải bàn cãi. Ngay cả những trang trại, hộ nuôi kỳ cựu ở Sóc Trăng cũng không thoát khỏi khó khăn này. Hậu quả là nhiều khu nuôi, vùng nuôi bị thiệt hại hết sức trầm trọng, làm người nuôi đang chùn tay thả giống, các đại lý cũng hạn chế suất đầu tư cung ứng vật tư đầu vào cho các hộ nuôi. Điều này làm cho doanh nghiệp không khỏi lo lắng về khả năng thiếu hụt tôm nguyên liệu có thể xảy ra, một khi sức tiêu thụ của thị trường tăng trở lại.
Có thể thấy, đến thời điểm này, ngành tôm đang gặp khó quá lớn. Khó từ nuôi, chế biến tới thị trường tiêu thụ. Trước những khó khăn trên, theo ông Hồ Quốc Lực, người trong cuộc phải chủ động gánh vác, chớ trông chờ thì chắc mờ mịt lắm. Ông Lực chia sẻ: “Trong thế khó của ngành tôm thì người nuôi là vất vả nhất, thiếu vốn và thừa bất trắc. Vì vậy, rất mong việc kiểm soát bệnh tôm từ các cơ sở cung ứng tốt hơn, thời tiết sẽ thuận lợi hơn và các nhà đầu tư vào cuộc, tiếp tay người nuôi một cách thực chất và hiệu quả hơn”. Riêng đối với các doanh nhân tôm, vì sự sống còn của mình họ buộc phải bươn chải chứ không thể ngồi yên đợi "sung rụng". Hơn nữa, bây giờ làm ăn tính bền vững được đặt lên hàng đầu nên họ cũng quan tâm nhiều hơn các rủi ro, không còn ý tưởng “đánh quả” như ngày xưa nữa. Hay nói như ông Hồ Quốc Lực là: “Đầu ra quyết định đầu vào, vai trò doanh nhân ngành tôm vô cùng to lớn, đầy tính quyết định”.
Hàng trăm ngàn hộ nuôi tôm, hàng chục ngàn lao động chế biến trông chờ kết quả những chuyến xuất ngoại tìm đường thoát nguy của các doanh nhân ngành tôm. Tất cả còn ở phía trước, dù chúng ta có lòng tin về bản lĩnh đội ngũ doanh nhân tôm ta, nhưng điều quan trọng hơn, có tính quyết định hơn là làm sao đảm bảo cho vụ nuôi thành công, người nuôi có lợi nhuận tốt hơn thì cả ngành tôm mới về đích thành công như kỳ vọng ở vụ tôm này. Đó cũng là lý do vì sao, dù đã có tín hiệu tích cực trong quý I nhưng tất cả các bên trong chuỗi giá trị ngành tôm vẫn chưa thể lạc quan, mà luôn động viên nhau nỗ lực nhiều hơn nữa, hành động thiết thực và hiệu quả hơn nữa từ nay đến hết vụ tôm 2024.
TÍCH CHU
Nguồn: Báo Sóc Trăng