Tất cả thị trường tiêu thụ tôm chủ lực của Việt Nam ở mùa Noel và tết Dương lịch vừa qua sức tiêu thụ đều không đạt như kỳ vọng dẫn đến tồn kho, nên các hợp đồng mới là không đáng kể, thậm chí một số đơn hàng đã ký phía nhập khẩu đề nghị hủy bỏ. Rất may là doanh nghiệp cũng không có nguồn hàng nên không thiệt hại gì, nhưng điều đó cho thấy, ngành tôm sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong năm 2023 này.
Đầu năm, có dịp trò chuyện cùng các doanh nghiệp ngành tôm trong tỉnh Sóc Trăng, mới thấy hết những lo toan và sự nỗ lực của họ cho 1 năm sản xuất, kinh doanh mới vốn đã được dự báo là sẽ rất khó khăn. Theo các doanh nghiệp, cuối năm, do tác động từ nhiều yếu tố như: lạm phát, bão tuyết ở Mỹ… sức tiêu thụ tôm ở các thị trường chủ lực đều không như kỳ vọng. Thị trường Mỹ vẫn là sự cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ đến từ Ecuador, thị trường châu Âu thì lu mờ vì lạm phát, thị trường Nhật chỉ được vài phân khúc do đồng yen mất giá... Do đó, dù đơn hàng đầu năm vẫn có nhưng theo doanh nghiệp là không nhiều (tùy theo doanh nghiệp - NV), điều này phản ánh qua việc các doanh nghiệp cho công nhân nghỉ Tết dài, ngắn khác nhau. Cũng may là nguyên liệu cũng không nhiều do vụ nghịch ảnh hưởng lạnh, mưa trái mùa gây thiệt hại cũng nhiều, nhất là những mô hình nuôi truyền thống, nên giá tôm vẫn giữ ở mức cao nhờ sức tiêu thụ trong nước khá tốt.
Chế biến tôm ở ĐBSCL-Ảnh: SEABINA GROUP
Khi người viết đặt vấn đề kỳ tích xuất khẩu tôm năm 2022, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, thật ra phần tăng trưởng này chỉ là phần tăng ảo, còn nếu tính đúng, tính đủ thì kim ngạch xuất khẩu năm 2023 cũng chỉ tương đương năm 2022 mà thôi. Lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ: “Thật ra sự tăng trưởng này do cước tàu tăng 10% (tăng ảo - NV) và còn lại là do lượng xuất khẩu tăng. Còn giá bán không thể nói tăng hơn năm 2021 được vì thật ra giá xuất khẩu đã được cộng thêm phần cước vận chuyển tăng thêm. Tuy nhiên, về căn bản cũng nên hoan nghênh thành tích của ngành tôm năm 2022 dù chưa trọn vẹn như dự tính ban đầu”.
Cũng theo doanh nghiệp trên, sở dĩ nói không trọn vẹn là bởi đối với doanh nghiệp, vấn đề cốt lõi không phải là tăng trưởng doanh số mà cái chính là lợi nhuận. Vì vậy, phải đợi đến khi các doanh nghiệp có báo cáo tài chính năm thì mới đánh giá được niềm vui này trọn vẹn đến đâu, nhưng có một điều chắc chắn là không ít doanh nghiệp đã bắt đầu gặp khó ngay từ những tháng cuối năm 2022 và khó khăn này sẽ ngày càng lớn hơn trong những tháng đầu năm 2023. Cũng theo vị lãnh đạo doanh nghiệp trên, đối với những doanh nghiệp lấy thị trường Mỹ làm chủ lực khó khăn sẽ rất lớn do gặp sự cạnh tranh từ tôm giá rẻ của Ecuador. Nếu doanh nghiệp không chuyển thị trường sớm được buộc lòng phải bán rẻ, chấp nhận lỗ vốn và sắp tới nếu không có giải pháp khắc phục thì khó khăn sẽ còn kéo dài.
Liên quan đến câu chuyện của ngành tôm năm 2023, theo các doanh nghiệp cần xét đến tương quan của yếu tố cung - cầu tôm thế giới và giá thành tôm nuôi trong nước. Hiện tại, hầu hết các thị trường đều tồn kho một lượng tôm nhất định do sức tiêu thụ các tháng cuối năm giảm mạnh. Trong khi đó, theo quy luật, quý I hàng năm, các nước Nam bán cầu (Indonesia, Ecuador…) bắt đầu vào vụ thu hoạch tôm, nên một khi nguồn cung mới này dồi dào cộng hưởng với hàng tồn kho nhiều, nhu cầu tiêu thụ không cao thì rủi ro về giá sẽ rất lớn. Một vấn đề nữa là lạm phát chưa biết điểm dừng, khiến sức mua có hạn và để kích cầu tiêu thụ thì giá bắt buộc sẽ phải giảm thêm.
Thông tin từ cuối năm 2022 còn cho biết, Ecuador tuyên bố tăng sản lượng tôm trong năm 2023 lên khoảng 1,5 triệu tấn (tức tăng 20% so với năm 2022). Trong khi nhu cầu tôm thế giới hàng năm cũng chỉ tăng ở mức 5% nên chỉ riêng Ecuador đủ sức đáp ứng nhu cầu tăng thêm của thị trường tôm thế giới trong năm 2023. Nhưng đâu chỉ có Ecuador, các nước nuôi tôm lớn, như: Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam… đều có kế hoạch tăng thêm, thậm chí cả Trung Quốc. Như vậy có thể thấy sức cung sẽ có xu hướng cao hơn sức cầu dẫn đến hệ quả là giá tiêu thụ nhiều khả năng sẽ giảm, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2023.
Đối với vấn đề giá thành tôm nuôi trong nước vốn dĩ đã cao hơn so với các đối thủ, nhưng theo các doanh nghiệp, chủ trang trại nuôi tôm, ngay từ ngày 5/1, họ đã nhận được thông báo tăng giá từ các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn. Đầu vào đã tăng, cộng thêm dịch bệnh EHP chưa có giải pháp ngăn chặn rõ ràng, làm cho tỷ lệ nuôi thành công thấp nên giá thành sản xuất tôm sẽ càng cao, sức cạnh tranh sẽ càng thấp xuống. Các doanh nghiệp ngành tôm cho rằng, nguy cơ đang bủa vây ngành tôm trong giai đoạn này nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu nhằm gia tăng tỷ lệ nuôi thành công để giảm giá thành. Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị, các bộ ngành cần nhanh chóng vào cuộc bằng các giải pháp hữu hiệu; các doanh nghiệp đầu vào cũng cần có động thái chia sẻ với người nuôi bởi nếu không người nuôi tôm sẽ rất khó khăn.
Một năm mới đã bắt đầu với ngành tôm bằng những khó khăn được dự báo trước và không thể tránh khỏi. Do đó, theo dự báo của doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2023 nhiều khả năng cao nhất chỉ bằng 2/3 so với cùng kỳ năm 2022. Và như vậy, niềm hy vọng lại của ngành tôm lại được đặt vào 6 tháng cuối năm 2023 khi lạm phát được kéo giảm, kinh tế hồi phục và sức tiêu thụ tăng trở lại.
Nguồn: Báo Sóc Trăng