Cơ quan Hải quan Mỹ hôm 13/10 thông báo, có đủ bằng chứng cho thấy MSeafood Corporation, thuộc Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, vi phạm luật thương mại nước này khi sử dụng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ để tránh thuế bán phá giá của Mỹ. Vì vậy, tôm đông lạnh do Minh Phú xuất khẩu sang Mỹ là đối tượng chịu thuế theo Lệnh chống bán phá giá với tôm Ấn Độ.
Bộ Thương mại Mỹ từ năm 2005 bắt đầu áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh nhập khẩu từ một số quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ. Đến tháng 7/2019, cơ quan này thu hồi lệnh áp thuế với Minh Phú. Theo đó, Minh Phú không phải nộp thuế chống bán phá giá với tôm xuất xứ Việt Nam. Còn tôm xuất xứ Ấn Độ vẫn chịu mức thuế 10,17%. Do vậy, Minh Phú được cho rằng có động cơ "nguỵ tạo" nguồn gốc xuất xứ tôm để "né" thuế.
Theo hồ sơ, trong giai đoạn điều tra từ 8/10/2018 đến 13/10/2020, MSeafood đã nhập khẩu tôm từ Minh Phú. Bằng chứng trên hồ sơ của Hải quan Mỹ cũng cho thấy Minh Phú từng nhập khẩu lượng lớn tôm Ấn Độ về chế biến. Tuy nhiên, họ không công bố dữ liệu cụ thể về số hàng này. Minh Phú cũng xem các công ty Ấn Độ là nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, phía doanh nghiệp không cung cấp được bằng chứng đáng tin cậy về các bước xử lý tôm nhập khẩu từ Ấn Độ cho cơ quan điều tra.
Hải quan Mỹ kết luận, sẽ đình chỉ hoặc tiếp tục đình chỉ các lô hàng trừ khi được chỉ thị thanh lý. Với những lô hàng nhập khẩu trước đó phù hợp với các biện pháp tạm thời, cơ quan này sẽ điều chỉnh thuế suất và tiếp tục đình chỉ cho đến khi có hướng dẫn xử lý. Họ sẽ tiếp tục đánh giá hoạt động bảo lãnh thanh toán tự động gia hạn của MSeafood theo chính sách của Hải quan Mỹ, và tiếp tục yêu cầu giao dịch bảo lãnh thanh toán đơn lẻ nếu phù hợp. Hải quan Mỹ khẳng định, họ và các cơ quan khác vẫn có thể có thêm hành động hoặc hình phạt bổ sung.
Về kết luận này, Minh Phú nhấn mạnh đã ngừng hoàn toàn việc nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ từ cuối tháng 7/2019. Hợp tác với cuộc điều tra, công ty nói đã chứng minh rõ cách xử lý và tách biệt những lô tôm có xuất xứ Việt Nam và Ấn Độ trong dây chuyền sản xuất, đảm bảo chỉ tôm Việt Nam mới được xuất đi Mỹ.
Vì vậy, yêu cầu của Hải quan Mỹ không hoàn toàn phù hợp với đặc thù sản xuất của ngành tôm. Theo Minh Phú, chưa có doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tôm nào có hệ thống truy xuất như vậy.Dù chủ động hợp tác và có lời mời, Hải quan Mỹ đã không sang Việt Nam, không thẩm tra tại thực địa, theo Minh Phú. Thay vào đó, họ tự thiết lập một tiêu chuẩn đánh giá riêng và yêu cầu doanh nghiệp sử dụng phương pháp này, và không chấp nhận cách Minh Phú đã sử dụng trong 4 năm qua. Truy xuất nguồn gốc của Minh Phú đã được Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ chấp thuận.
"Vua tôm" của Việt Nam cho biết sẽ thực hiện quyền kháng cáo và nếu kháng cáo không mang lại kết quả như mong muốn, Minh Phú sẽ tiếp tục kháng cáo lên Toà án Thương mại Quốc tế.
Minh Phú trước đó bị cáo buộc đánh đồng tôm xuất xứ Ấn Độ với tôm xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ thông qua MSeafood. Tháng 1/2020, Hải quan Mỹ đã thông báo áp dụng các biện pháp điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá với Minh Phú và áp dụng ký quỹ tạm thời ở mức 10% với các lô hàng xuất khẩu sang. Về phía Minh Phú, khi đó họ cũng ra thông cáo, nhận định các cáo buộc là thiếu căn cứ.
Đức Minh
Nguồn: vnexpress.net