Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta dự báo xuất khẩu tôm năm 2025 ước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 9%/năm. Trong đó, Mỹ, Nhật Bản, EU vẫn là những thị trường trọng điểm của ngành tôm Việt Nam.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), năm 2021, xuất khẩu tôm đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí vận tải biển phi mã. Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với 2020.
Nhìn nhận về triển vọng ngành tôm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực Phẩm Sao Ta (Fimex) dự báo kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2025 có thể đạt 5,6 tỷ USD, tăng trưởng 9% hàng năm.
Về thị trường, ngành tôm Việt Nam xác định duy trì và giữ vững các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU. Đồng thời, coi trọng thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada…
Chế biến tôm sú tại nhà máy tôm miền Nam (SVS), Ảnh: SEABINA GROUP
Tuy nhiên, thị trường nào dẫn dắt sẽ tùy thuộc tình hình cụ thể. Bởi, ở các thị trường xuất khẩu chính, tôm Việt vẫn còn những hạn chế nhất định.
Điển hình như vụ kiện chống bán phá giá tôm nước ấm vào Mỹ vẫn còn hiệu lực, hàng năm cần có sự thương lượng hai bên để duy trì mức thuế đang có là 0%, khi còn vụ kiện là rủi ro vẫn chưa chấm dứt.
Ngoài ra, hàng bán vào Nhật Bản phải kiểm tra toàn bộ lô các hàng với không ít tiêu chí sinh, hóa. Hàng vào EU còn hạn chế bởi cơ sở nuôi đạt chuẩn chất lượng thị trường này là ASC vẫn còn quá thấp. Những yếu tố này là thách thức không nhỏ cho sự tăng tốc ngành tôm thời gian tới.
VASEP thông tin trước năm 2015, Việt Nam từng là nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tôm Ấn Độ đã trỗi dậy mạnh mẽ từ năm 2015, tôm Ecuador đột phá từ năm 2018, khiến tôm Việt đang rớt xuống vị trí thứ 3.
Dù vậy, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trong top 3 này không chênh lệch nhiều. Cụ thể, giai đoạn 2016 – 2021, kim ngạch nhập khẩu tôm toàn cầu ước đạt 26-28 tỷ USD, trong đó Ấn Độ chiếm 15,7%, Ecuador chiếm 14% và Việt Nam chiếm 13,6%.
Về sản xuất, diện tích nuôi tôm của Việt Nam đạt khoảng 740.000 ha, sản lượng đạt trên 900.000 tấn/năm, trong đó 80% tập trung ở ĐBSCL. Tôm sú Việt Nam đứng đầu thế giới với sản lượng trên 250.000 tấn, tăng 10%/năm.
Các thị trường chính tiêu thụ tôm Việt trong giai đoạn 2016 – 2021, bao gồm Mỹ, tăng 20 - 23%, Nhật Bản tăng 16 - 18%, tăng EU 15 - 20%, Trung Quốc tăng 13 - 15%, Hàn Quốc tăng 9 - 10%.
Tôm Việt Nam có thứ hạng cao ở các thị trường lớn. Trong đó, chiếm vị trí số 1 ở Nhật Bản, thứ 2 ở EU, thứ 5 ở Mỹ, thứ 4 ở Trung Quốc, số 1 ở Hàn Quốc, số 1 ở Australia…
Cũng trong giai đoạn 2016 - 2021, bình quân kim ngạch xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,8 tỷ USD/năm, đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Ecuador. Kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch thủy sản xuất khẩu, trong đó giá trị xuất khẩu tôm sú chỉ chiếm 15% tổng kim ngạch ngành.
Nguồn: Vietnambiz