Ngày 29/7, UBND tỉnh Tiền Giang thông báo dừng hoạt động 9 khu, cụm công nghiệp từ ngày 5/8 để ngăn ngừa dịch lây lan. Động thái này được tỉnh đưa ra sau khi phát hiện 260 công nhân dương tính tại các nhà máy thực hiện phương án "3 tại chỗ" trong Khu công nghiệp Long Giang (Tân Phước) và Khu công nghiệp Mỹ Tho.
Trong đơn kêu cứu gửi Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng ngày, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang (cụm công nghiệp Song Thuận, huyện Châu Thành) cho biết, họ bất ngờ khi nhận thông báo từ tỉnh, yêu cầu dừng sản xuất.
Theo bà Trương Thị Lê Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang, để thực hiện mô hình sản xuất 3 tại chỗ, họ đã đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ với 1.200 nhân viên để giữ chân người lao động.
Doanh nghiệp đã lập ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tại chỗ, tổ chức phân luồng ăn ở sản xuất theo từng dây chuyền để tránh nhiễm chéo, đạt yêu cầu theo đánh giá của Ban quản lý các khu cụm công nghiệp Tiền Giang. Việc xét nghiệm Covid-19 với toàn bộ nhân viên cũng được tiến hành thường xuyên. Gần nhất, ngày 27/7, toàn bộ công nhân được xét nghiệm PCR, kết quả âm tính.
Việc UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu dừng hoạt động tất cả doanh nghiệp tại 9 cụm, khu công nghiệp, bà Khanh nói, "là cú sốc lớn cho doanh nghiệp chấp hành tốt chủ trương của tỉnh, bởi riêng Vạn Đức Tiền Giang đã chi hàng chục tỷ đồng để bố trí sản xuất 3 tại chỗ".
Chưa kể, việc dừng hoạt động đột ngột khiến doanh nghiệp này gãy chuỗi cung ứng, cá tra nuôi bị quá lứa, không bán được, giá sẽ giảm sâu nếu không tiêu thụ kịp thời.
"Việc sản xuất 3 tại chỗ chỉ đạt 50% công suất, đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, nuôi và xuất khẩu. Nếu phải ngưng đột ngột sẽ gây thiệt hại kép đến toàn chuỗi cung ứng", bà nói.
Thiệt hại nữa cũng được chủ doanh nghiệp này kể ra, như phải bồi thường cho các hợp đồng cung ứng hàng cho siêu thị, nguy cơ mất thị trường và phá sản.
Lúc này phải dừng sản xuất đột ngột, toàn bộ lao động cũng không thể về quê được vì hầu hết chưa được viêm vaccine và tất cả địa phương đều giãn cách xã hội. Doanh nghiệp giữ lao động ở lại nhà máy mà không sản xuất được sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn về tâm lý, hành vi và sau này khó lòng kêu gọi công nhân quay trở lại sản xuất.
Bà Khanh nói thêm, doanh nghiệp ngành cá đã quá khổ, giá thức ăn tăng, nhiều nhà máy chế biến đóng cửa. Công ty Vạn Đức Tiền Giang đã cố hết sức tổ chức sản xuất 3 tại chỗ nghiêm túc. Mỗi tháng chi phí sản xuất tăng hàng chục tỷ đồng chỉ để giữ được chuỗi cung ứng, giữ chân người lao động, khách hàng.
"Kết quả làm tốt không được ghi nhận mà bị đánh đồng với các doanh nghiệp chưa tốt và bị ngừng sản xuất đột ngột, thiệt hại này doanh nghiệp thực sự không gánh nổi", Chủ tịch Vạn Đức Tiền Giang lo lắng.
Nữ Chủ tịch Công ty Vạn Đức Tiền Giang khẩn thiết được tiếp tục duy trì sản xuất từ 5/8 tới.
Không riêng doanh nghiệp này, Công ty MNS Feed Tiền Giang cũng khẳng định không có người nhiễm bệnh, tuân thủ các quy định phòng dịch, và đề nghị chính quyền tỉnh cùng Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tiếp tục cho họ hoạt động.
Công ty thành viên của Tập đoàn Masan này sản xuất thức ăn chăn nuôi. Việc phải ngừng sản xuất, theo họ, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, công việc mưu sinh của người lao động đang làm việc tại nhà máy, mà còn gây ảnh rất lớn đến nguồn cung thức ăn chăn nuôi cho các hộ nông dân, trang trại. Đây là những đơn vị đang cố gắng cung ứng nhu yếu phẩm cho xã hội trong bối cảnh hết sức đặc biệt và cấp thiết hiện nay.
"Chưa kể đến những rủi ro và thiệt hại mà chúng tôi phải gánh chịu trong việc tiếp nhận, lưu kho và bảo quản nguồn nguyên liệu đã đặt hàng dự phòng cho các kế hoạch sản xuất", văn bản của MNS Feed nêu.
Trả lời VnExpress tối 30/7, ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, đưa ra quyết định này sau khi phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm phương án sản xuất 3 tại chỗ, dẫn tới nhiều ca nhiễm Covid-19.
"Rất nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định3 tại chỗ, chúng tôi quyết định cho dừng hoạt động một thời gian với tất cả, chứ không riêng doanh nghiệp nào. Sau khi tỉnh rà soát, thẩm định lại, nếu đủ điều kiện, đạt yêu cầu phòng dịch mới có thể cho hoạt động trở lại", ông nhấn mạnh.
Hiện ngoài Tiền Giang, Bình Dương cũng cho dừng hoạt động 150 doanh nghiệp đang áp dụng phương án "3 tại chỗ" do phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19. Đồng Tháp cũng dừng một doanh nghiệp sau khi phát hiện nhiều ca F0.
Đến ngày 30/7, Tiền Giang ghi nhận 2.097 ca nhiễm Covid-19 kể từ đợt dịch bùng phát cuối tháng 4, riêng ngày 30/7 tỉnh này ghi nhận 242 ca nhiễm bệnh. Tiền Giang có 9 khu, cụm công nghiệp đang sản xuất với trên 100.000 công nhân, người lao động. Tiền Giang cùng 8 tỉnh miền Tây đã áp dụng yêu cầu hạn chế ra đường từ 18h đến 6h hôm sau.
Nguồn: vnexpress.net