Doanh nghiệp ngành tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long: Thiếu hụt lao động và khan hiếm nguồn hàng
Nhằm tận dụng thời cơ trong những tháng còn lại của năm 2021, các doanh nghiệp ngành tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhanh chóng khôi phục và tăng tốc sản xuất.
Phần lớn doanh nghiệp ngành tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với vấn đề thiếu hụt tôm nguyên liệu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, dù có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng nhưng ngày trở lại “đường đua” hoàn thành chỉ tiêu doanh số xuất khẩu vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Thiếu hụt lao động và vaccine phòng bệnh
Từ đầu tháng 10 đến nay, mặc dù dịch Covid-19 ở ĐBSCL từng bước được kiểm soát nhưng vẫn còn một số ổ dịch mới xuất hiện và lây lan trong cộng đồng, buộc một số địa phương phải siết chặt việc đi lại của người dân, gây thiếu hụt lao động cho doanh nghiệp. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Công ty Sao Ta), sau khi tỉnh Sóc Trăng phát hiện ổ dịch Covid-19 ở một cơ sở chế biến tôm, người lao động tại các địa phương có F0 không được đi lại như trước nên phải nghỉ việc. Tính từ ngày 5-10, số lao động của Công ty Sao Ta giảm khoảng 400 người. Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), chia sẻ: "Những ngày đầu tháng 10, tôm thu hoạch khá nhiều nhưng Vinacleanfood không thể thu mua tôm nhiều được vì có đến gần 500 lao động không thể đi làm".
Qua khảo sát cho thấy, hiện nay số lao động tại các doanh nghiệp ngành tôm ở ĐBSCL chỉ mới đạt bình quân 60-80% so với thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh. Điều lo lắng nhất hiện nay của các doanh nghiệp là số lao động được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19 đạt tỷ lệ chưa như mong muốn. “Số lao động của công ty chỉ bằng 60-70% so với lúc bình thường và trong số này chỉ khoảng 40% được tiêm hai mũi vaccine, còn lại chưa tiêm mũi nào. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, công ty buộc phải làm rất kỹ các khâu kiểm soát, xét nghiệm khiến chi phí tăng lên”, ông Phục cho biết.
“Cuộc chiến” tôm nguyên liệu đang hiện hữu
Nỗi lo về sự thiếu an toàn cho đội ngũ lao động chưa qua thì nỗi lo về thiếu tôm nguyên liệu ập đến với mức độ tăng dần theo đà hồi phục của các doanh nghiệp và thời điểm cuối năm đang cận kề. Ông Võ Văn Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex), cho biết: "Điều chúng tôi lo nhất hiện nay là lượng tôm nguyên liệu không còn nhiều do trong giai đoạn giãn cách xã hội, giá tôm xuống thấp, người nuôi thua lỗ nên phần lớn không thả nuôi tiếp. Với tình hình này, chắc chắn giá tôm nguyên liệu sẽ tăng mạnh do các doanh nghiệp tăng cường thu mua để bảo đảm đủ số lượng giao theo hợp đồng đã ký kết với đối tác".
Mặc dù việc thiếu hụt tôm nguyên liệu đã được các doanh nghiệp dự báo trước và có sự chủ động thu mua, dự trữ nhưng nhìn chung vẫn không thể đáp ứng nhu cầu chế biến từ nay đến cuối năm. Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Vinacleanfood dự báo: "Lượng tôm nguyên liệu về nhà máy của Vinacleanfood chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu công suất chế biến. Trong khi đó, giá tôm mỗi ngày tăng lên 2-3 lần, mỗi lần tăng 1-2 nghìn đồng/kg. Từ nay đến cuối năm, tôm nguyên liệu sẽ thiếu trầm trọng, khả năng xảy ra “cuộc chiến” tôm nguyên liệu là gần như chắc chắn vì doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu khá cao trong khi nguồn cung lại hạn chế. Khi đó, giá tôm sẽ được đẩy lên, nên doanh nghiệp nào có nguồn tôm dự trữ lớn và hợp đồng mới với giá cao sẽ có nhiều lợi thế để vượt qua, còn ngược lại sẽ càng thêm khó.
Vượt khó để hoàn thành chỉ tiêu doanh số
Tại tỉnh Sóc Trăng, nơi có vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh lớn nhất cả nước đã thả nuôi hơn 48.000ha, sản lượng tôm đã thu hoạch được gần 140.000 tấn. Với diện tích chưa thu hoạch hơn 10.000ha, nếu tình hình nuôi tốt như dự kiến, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ có nhiều lợi thế. Thực tế cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, xuất khẩu tôm của tỉnh vẫn tăng khá và theo các doanh nghiệp, nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, khả năng hoàn thành chỉ tiêu doanh số xuất khẩu là có thể thực hiện được.
Cũng nhờ có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa ngay sau khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát (cuối tháng 4-2021), một số doanh nghiệp ngành tôm ở ĐBSCL đã trở lại khá nhanh và bắt đầu tăng tốc. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Sao Ta khẳng định: "Dù lượng tôm nuôi ở ĐBSCL giảm mạnh nhưng nhờ có tôm dự trữ và hơn 200ha tôm nuôi của công ty chưa thu hoạch nên chúng tôi vẫn tự tin hoàn thành chỉ tiêu doanh số xuất khẩu năm 2021 đã đề ra".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn doanh nghiệp ngành tôm ở ĐBSCL đều cho rằng tuy có khó khăn nhưng doanh số xuất khẩu năm nay sẽ không thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng thừa nhận, dù có đạt doanh số thì lợi nhuận cũng không cao do hầu hết các khâu: Nguyên liệu, vật tư đầu vào, nhân công lao động và chi phí cho phòng, chống dịch Covid-19, các dịch vụ logistics đều tăng mạnh.
Nguồn: Liên Minh Tôm Sạch và Bền Vững Việt Nam