(HQ Online) - Năm 2019 là năm khó khăn của ngành thủy sản khi một số ngành hàng phải đối mặt với nhiều thách thức, đồng thời, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu đã ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất thủy sản.
Từ đầu tháng 3 đến tháng 9/2019, giá tôm giảm do cạnh tranh từ xuất khẩu của Ấn Độ và Ecuador và sản lượng tồn kho từ năm 2018, trong khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát chất lượng, truy suất nguồn gốc tại biên giới và diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ.Ước tính, năm 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt 6,25% so với năm 2018, tổng sản lượng đạt khoảng 8,15 triệu tấn, tăng 4,9%, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,77 triệu tấn, tăng 4,5%, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn, tăng 5,2%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,6 tỷ USD.
Trước tình hình đó, Tổng cục Thuỷ sản đã đánh giá sâu diễn biến thị trường, sản xuất, tiêu thụ tôm, đưa ra khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ kỹ thuật, mùa vụ, tăng cường các biện pháp chăm sóc, quản lý, kiểm soát môi trường nuôi, ổn định sản xuất và thực hiện hợp tác, liên kết theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro đối với sản phẩm xuất khẩu. Cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước và thế giới được cải thiện, tạo đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 ước đạt 8,6 tỷ USD. Ảnh: Internet. |
Không chỉ tôm, năm 2019 cũng là năm ghi nhận khó khăn đối với ngành hàng cá tra. Theo đó, việc xuất khẩu đi một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 3/2019, Ả rập - Xê út vẫn đóng cửa đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, một số quốc gia lân cận đã phát triển nuôi cá tra... Những nguyên nhân trên đã dẫn đến việc giá cá tra nguyên liệu giảm từ cuối tháng 3 đến nay sau 2 năm tăng trưởng liên tục.
Tổng cục đã chỉ đạo các tỉnh triển khai một số giải pháp để duy trì mục tiêu tăng trưởng năm 2019. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đã chủ động điều chỉnh giảm mật độ thả nuôi, giảm lượng thức ăn. Với các biện pháp đó, sản lượng thu hoạch cá thương phẩm có xu hướng duy trì ở mức như năm 2018 trong khi diện tích tăng.
Bên cạnh đó, việc cơ quan thanh tra An toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chính thức công nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes của Việt Nam là tương đương với hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ đã tạo điều kiện cho việc xuất khẩu cá tra những tháng cuối năm 2019 và tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2020.
Tổng diện tích nuôi cá tra năm 2019 dự kiến đạt 6,6 nghìn ha (tăng 22,2% so với năm 2018), sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, tương đương với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 1,9 tỷ USD, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ 2018.
Cho biết thêm về những vướng mắc trong “gỡ thẻ vàng” cho thủy sản, bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thủy sản) cho rằng, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế mà Việt Nam cần phải tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành với nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để khắc phục các khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC), đặc biệt là tăng cường phối hợp, điều tra, xử phạt tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như đảm bảo lộ trình lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá. Năm 2020, việc Việt Nam nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành thủy sản, đặc biệt là thực thi Luật Thủy sản một cách đồng bộ sẽ là điều kiện quan trọng.
Năm 2020, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn, tăng 0,6% so với ước thực hiện năm 2019; sản lượng cá tra 1,42 triệu tấn, tương đương so với năm 2019; sản lượng tôm các loại 850.000 tấn, tăng 3,7%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2019. |
Xuân Thảo
Nguồn: www.haiquanonline.com.vn