Ngành tôm Việt Nam phấn đấu trở thành ngành hàng thương hiệu mạnh
Ngày 16/7/2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chủ trì Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và Triển khai Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Hội nghị được tổ chức tại đầu cầu Hà Nội và 28 tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam.
Ngành tôm Việt Nam phấn đấu trở thành ngành hàng thương hiệu mạnh
Tại hội nghị, Thứ trưởng đã chỉ đạo đại biểu ở 29 điểm cầu cùng nhìn lại kết quả năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, cùng bàn bạc để tháo gỡ các nút thắt, khó khăn, vướng mắc. Theo Thứ trưởng, trước những cạnh tranh khốc liệt tại các thị trường xuất khẩu, ngành tôm Việt Nam cần duy trì tốt nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến, xuất khẩu; Đồng thời, tập trung giải quyết ngay những bất cập về quy mô, sản lượng, giá thành; Hướng đến mục tiêu nuôi tôm công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chúc Tôm Việt Nam sẽ bứt phá thành một ngành hàng thương hiệu mạnh.
Một số kết quả đã đạt được
Đầu năm 2020, việc triển khai sản xuất tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, dẫn đến sản lượng tôm nước lợ bị ảnh hưởng. Cuối năm 2020, tình hình sản xuất tôm nước lợ đã phục hồi khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, việc xuất khẩu mặt hàng tôm nước lợ được khôi phục. Bên cạnh những bất lợi, ngành tôm Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi: thời tiết, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu tương đối ổn định, dịch bệnh đối với tôm nuôi được khống chế.
Tổng cục Thủy sản đã giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xử lý những rào cản, kịp thời chỉ đạo các giải pháp nhằm duy trì phát triển sản xuất, tiếp tục xây dựng ngành tôm là một ngành hàng lợi thế, mang lại giá trị cao nhất, có tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế và phát triển bền vững. Tổng cục đã tham mưu cho Bộ tổ chức 04 hội nghị lớn. Ngày 26/4/2021, Tổng cục Thuỷ sản đã phối hợp với Cục Chăn nuôi tham mưu cho Bộ tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp phát triển chăn nuôi và thủy sản trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản còn tham mưu cho Bộ ban hành Văn bản số 2389/BNN-TCTS gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển, đôn đốc thực hiện Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025. Để khai thác tối đa tiềm năng lợi thế và để sản xuất an toàn, đạt hiệu quả cao cho vụ nuôi tôm năm 2020-2021, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn khác.
Năm 2020, diện tích thả nuôi tôm nước lợ là 742,5 nghìn ha (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó: diện tích nuôi tôm sú 629,1 nghìn ha, tôm chân trắng 113,4 nghìn ha. Sản lượng tôm nước lợ đạt 900 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó: tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 632,3 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,7 tỷ USD (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019).
6 tháng đầu năm 2021, số lượng giống tôm nước lợ ước đạt 55 tỷ con; Trong đó: tôm thẻ chân trắng là 40,7 tỷ con, tôm sú 14,3 tỷ con (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020). Sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó: tôm sú đạt 113 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 258 nghìn tấn. Ước kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD; trong đó: tôm sú đạt 200 triệu USD, tôm thẻ chân trắng đạt 1,3 tỷ USD).
Dự báo tình hình 2021
Những năm gần đây biến đổi khí hậu đang diễn ra khó lường và ngày càng nghiêm trọng. Khả năng điều tiết nước ngọt sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Hiện tượng nước biển dâng, tình trạng hạn hán có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng hiện tượng xâm nhập mặn (đặc biệt là vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long). Thời tiết diễn biến phức tạp, thất thường, cực đoan cũng sẽ là một trong những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch bệnh cho tôm nuôi.
Về tình hình thị trường và xuất khẩu tôm năm 2021, các tháng đầu năm 2021, do Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động sản xuất tiếp tục được duy trì ổn định, giá tôm nguyên liệu tăng cao (kéo dài từ cuối năm 2020) đã kích thích các doanh nghiệp, người nuôi tôm mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Tuy nhiên, 1-2 tháng gần đây, tình hình Covid 19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, dẫn đến giá tôm nguyên liệu giảm và khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Dự báo các tháng cuối năm 2021, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam có thể tận dụng lợi thế khi nguồn cung từ một số quốc gia khác giảm (do tác động xấu từ đại dịch Covid-19 và thuế chống bán phá giá).
Bên cạnh đó, tôm Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội do những ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTTP và EVFTA. Dự báo xuất tôm của Việt Nam những tháng cuối năm 2021 tiếp tục tăng trưởng tốt, đảm bảo sự ổn định trong sản xuất và chế biến khi kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Trong kế hoạch phát triển tôm nuôi, ngành Thủy sản đã đặt mục tiêu năm 2021 sản lượng tôm các loại đạt 980 nghìn tấn (trong đó: tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 633 nghìn tấn); Kim ngạch xuất khẩu đạt 3,8-4,0 tỷ USD.
Để thực hiện được mục tiêu này, toàn ngành tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Thuỷ sản 2017, nhất là việc đăng ký đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng); Triển khai hiệu quả một số đề án, chương trình đã phê duyệt như: Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030.
Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.
Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra các khuyến cáo và cảnh báo, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi; thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững.
Quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư thủy sản. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường; xử lý nghiêm các vi phạm. Triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản, đặc biệt là thức ăn cho tôm. Ổn định sản xuất. Tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.
Quyết liệt chỉ đạo sản xuất, phấn đấu đạt mục tiêu 2021
Năm 2021, dự báo ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn rủi ro khi ngành tôm đang phát triển nóng, có thể dẫn đến lạm dụng trong sử dụng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; thời tiết khí hậu bất thường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh; diễn biến dịch bệnh Covid-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường. Vì vậy, Hội nghị Tôm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đánh giá thực trạng thuận lợi, khó khăn, bàn giải pháp khắc phục, tận dụng cơ hội để duy trì sự phát triển ổn định ngành tôm trong tình hình mới.
Sau khi nghe 05 báo cáo và ý kiến phát biểu của đại diện các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, hiệp hội ngành hàng… hiến kế phát triển ngành tôm Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả mà ngành hàng tôm Việt Nam đã đạt được.
Một lần nữa ông nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, ngành hàng tôm Việt Nam đã phải đối đầu với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn như dịch bệnh Covid-19, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh tôm…
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đã đạt 3,7 tỷ USD (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019). Thứ trưởng khẳng định: Tôm của Việt Nam đang trên đà phát triển tốt, có thể đạt mục tiêu 3,8 tỷ USD xuất khẩu tôm cả năm 2021.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải tập trung triển khai quyết liệt Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
Thường xuyên đánh giá thị trường để có phương án xử lý phù hợp; Dự báo các thị trường quan trọng quyết định việc Việt Nam đạt được các mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, quản lý tốt chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản; Khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất những hướng đi phù hợp, đáp ứng yêu cầu của các thị trường. Trường hợp gặp khó khăn vướng mắc thì báo cáo để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét phối hợp với các Bộ, ban ngành cùng tháo gỡ.
Xử lý các rào cản thị trường liên quan đến xuất khẩu tôm. Tận dụng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs). Đặc biệt là, đề cao công tác thông tin tuyên truyền; Thực hiện tốt công tác truyền thông, kịp thời cung cấp các thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp thủy sản và người dân.
Đối với các Hội, Hiệp hội, Thứ trưởng yêu cầu Hội và Hiệp hội vận động hội viên thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật; Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ; đấu tranh với những rào cản kỹ thuật. Chính quyền các địa phương cần bám sát các quan điểm chiến lược; Đồng thời cũng tự xây dựng quan điểm chiến lược cho địa phương mình.
Chuỗi giá trị cá tra là rất điển hình, chứng minh về hiệu quả kinh tế - xã hội. Hiện đã có 80% doanh nghiệp thủy sản tham gia chuỗi (chỉ một số rất ít các doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ đứng ngoài). Vì thế, ngành hàng tôm Việt Nam cũng cần hướng đến sản xuất theo chuỗi.
Cần phối hợp tốt trong tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh. Thực hiện việc tuyên truyền giáo dục pháp luật. Cùng với đó, ngành Thủy sản cũng phải áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ, Việt Nam sẽ sớm vượt qua đại dịch Covid-19, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2021. Thứ trưởng chúc ngành Thủy sản đạt được các mục tiêu đã đề ra trong chiến lược phát triển ngành Thủy sản Việt Nam.
Ngọc Thúy – FICen