Tin tức

Người nuôi cá tra ở ĐBSCL lỗ nặng 

Chủ nhật, 22/03/2020, 10:31

Người nuôi cá tra ở ĐBSCL lỗ nặng 

Sau năm 2019 khá ảm đạm, nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL kỳ vọng năm 2020, cá tra khởi sắc trở lại để gỡ nợ. Tuy nhiên, qua hơn 2 tháng đầu năm, hàng loạt hộ nuôi cá lâm vào cảnh khốn đốn hơn bởi giá sụt giảm thê thảm và khó tiêu thụ. Ngoài ra, xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền khiến một số vùng nuôi cá tra bị ảnh hưởng lớn…

 

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ và xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL.  

►Người nuôi đuối sức

Ông Cao Lương Tri, hộ nuôi cá tra hàng chục năm ở xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên (An Giang), chua chát nói: "Chưa bao giờ cá tra lâm vào cảnh khốn khó như hiện nay, khi giá sụt giảm rất mạnh trong thời gian dài và tiêu thụ khó khăn. Nhiều hầm cá quá ngày thu hoạch mà muốn bán cũng rất gian nan".

Ông Tri kể: "Gần 3ha mặt nước của gia đình tôi, nuôi trên dưới khoảng 1.000 tấn cá tra, đến nay cũng 8-9 tháng. Đúng ra là xuất hầm bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu từ trước Tết Nguyên đán 2020. Song, giá cá không cao nên đành neo lại, hy vọng sau Tết bán được giá. Nào ngờ, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, giá cá giảm không phanh. Hiện giá cá chỉ còn khoảng 18.000 đồng/kg, nhưng các nhà máy lại áp dụng mua thiếu, mua nợ 1-3 tháng mới thanh toán. Tình cảnh này khiến người nuôi lỗ đủ đường".

Cùng nỗi lo trên, ông Lê Quang Vinh, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, cho biết, hơn 2ha cá của gia đình ông nuôi kéo dài khoảng 10 tháng rồi, khiến cá quá lứa tới 1,8 kg/con. Cuối cùng, phải chạy đôn chạy đáo ông mới bán được cho nhà máy với giá 17.700-18.000 đồng/kg, nhưng bán thiếu, sau 3 tháng mới thanh toán tiền. "Năm 2019, giá cá thấp nên gia đình tôi bị thua lỗ mấy tỉ đồng. Từ đầu năm đến nay, giá cá lại tuột dốc đẩy hàng loạt hộ nuôi rơi vào cảnh khó. Như đợt bán vừa rồi tôi lỗ bình quân 5.000-6.500 đồng/kg, do nuôi kéo dài khiến chi phí giá thành tăng rất cao, rồi bán giá thấp nên lãnh đủ"- ông Vinh lắc đầu than.

Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết mỗi năm, toàn tỉnh thả nuôi khoảng 1.500ha cá tra, sản lượng 440.000 tấn; trong đó, các doanh nghiệp nuôi chiếm 63%. Cá tra là thế mạnh của tỉnh, nhưng từ năm 2019 đến nay giá ảm đạm khiến người muôi và các nhà máy đều gặp khó…

Ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Thanh Bình, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, trăn trở: "Hơn 200 tấn cá thương phẩm của gia đình tôi đạt trọng lượng hơn 700g/con và thời gian thu hoạch đã đến gần. Thế nhưng, các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản hiện thời chỉ mua với giá 18.000-19.000 đồng/kg trở lại (tùy loại). Với giá này, người nuôi tốt và bán đúng trọng lượng thì lỗ 3.000-4.000 đồng/kg, còn nuôi không đạt, sẽ lỗ nhiều hơn. Chưa kể, thời điểm này, rất nhiều nhà máy mua "nợ" chứ không chịu trả tiền mặt".

Bên cạnh những khó khăn trên, nhiều hộ nuôi cá tra ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang… còn đối mặt với xâm nhập mặn tấn công, gây bất lợi cho cá tra. Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang), chia sẻ: "Mặn năm nay về sớm, kéo dài và duy trì mức cao. Nhiều sông ở Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang có độ mặn từ 4-25‰ khiến cá tra bị tuột nhớt, bỏ ăn, nổ mắt… chết khá nhiều. Người nuôi dù biết nhưng rất khó phòng tránh, do các ao nuôi cá tra cần phải thay nước ngọt mỗi ngày để tránh ô nhiễm; trong khi ngoài sông toàn là nước mặn. Vì vậy, khi bơm vào là cá bị ảnh hưởng…".

Theo UBND tỉnh Bến Tre, nước mặn tấn công làm 22ha nuôi cá tra ở xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, bị thiệt hại 3 - 4%; ngoài ra, còn có 214ha cá tra ở huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm bị ảnh hưởng...

►Gian nan gỡ khó

Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam - ông Dương Nghĩa Quốc phân tích, năm 2019 xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 662 triệu USD, tăng 25% và chiếm tỷ lệ tới 33% tổng giá trị. Tuy nhiên, sang tháng 1-2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chưa được 17 triệu USD, chỉ chiếm 16% tổng giá trị và giảm hơn 55% so cùng kỳ; tất cả là do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cũng trong tháng 1-2020, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU giảm gần 51%; ASEAN giảm 42,8%; Brazil giảm 44%; Nhật Bản giảm 45%... "Gần đây, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Âu, châu Á… làm tăng thêm khó khăn cho đầu ra của cá tra trong thời gian tới. Nếu chúng ta không nhanh chóng có giải pháp hợp lý, hiệu quả thì mục tiêu xuất khẩu cá tra khoảng 2,2 tỉ USD của năm 2020 sẽ khó đạt"- ông Quốc trăn trở.

Lãnh đạo Công ty CP Nam Việt (An Giang) nhìn nhận: "Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang bị giảm sản lượng 30-40%, từ đó khiến việc tồn kho rất nhiều, tốn kém thêm chi phí bảo quản, chôn dòng vốn hoạt động, kinh doanh không hiệu quả… Khó khăn nhiều phía đang vây các doanh nghiệp cá tra". Các doanh nghiệp thủy sản cho rằng, trong những bất lợi trên thì một điểm cần lưu ý là kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ tháng 1-2020 đạt hơn 18,1 triệu USD, dù giảm 55% so cùng kỳ, nhưng lại chiếm tỷ lệ 17,8% về tổng giá trị, cao nhất so với các thị trường khác. Nguyên nhân do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ vừa công bố chính thức công nhận hệ thống quản lý và giám sát cá tra của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ, tạo thuận lợi hơn để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ trong thời gian tới".

 

Người nuôi cá tra tại ĐBSCL đang gặp rất nhiều khó khăn vì giá cá sụt giảm. 

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, không thể trông chờ quá nhiều vào Hoa Kỳ, mà cần cấp bách thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nỗ lực duy trì các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới trong điều kiện cho phép, kể cả gia tăng ở thị trường nội địa. Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thủy sản Gò Đàng, kiến nghị ngành chức năng cần triển khai ngay việc xem xét giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra; đơn giản các thủ tục hành chính, không áp dụng kiểm tra hoạt động thời điểm này; nhất là kéo giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội. Ngân hàng nghiên cứu giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp xuất khẩu. Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp mới mong đưa ngành cá tra sớm vượt qua khó khăn.

Theo ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cùng với giải pháp thị trường, trong giai đoạn khó khăn này, người dân không nên nuôi mới kiểu tự phát, không có hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường các giải pháp phòng bệnh cho cá bởi thời tiết bất lợi. Áp dụng nuôi thưa, nuôi theo tiêu chuẩn GAP…

Mới đây, sau khi khảo sát thực tế về tình hình tiêu thụ lúa, nếp và cá tra, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, cho biết: "Đây là dịp để chúng ta cơ cấu lại sản xuất theo hướng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, để nông dân, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về những gì mình sản xuất ra, sản phẩm làm ra phải đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự "giải cứu" của Nhà nước, hướng tới sự chủ động trong khâu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nhất là 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh là lúa và cá tra".

Bài, ảnh: Phước Bình

Nguồn: báo Cần Thơ online

Cảm nhận khách hàng