Tôm thẻ miền Trung rớt giá, cả tháng không bán được
Ba tháng trước, giá tôm thẻ chân trắng ở Khánh Hòa dao động từ 85.000 đồng đến 105.000/kg. Nhưng đến cuối tháng 8, giá tôm liên tục giảm, chỉ còn 55.000 đến 60.000 đồng/kg.
Người nuôi tôm thẻ chân trắng tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng, khi giá cả xuống thấp, thị trường tiêu thụ đóng băng nhiều tháng. Gần một tháng nay họ không bán được kg tôm nào dù vụ thu hoạch chính đã qua.
Người nuôi tôm thẻ chân trắng tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng, khi giá cả xuống thấp, thị trường tiêu thụ đóng băng nhiều tháng. Gần một tháng nay họ không bán được kg tôm nào dù vụ thu hoạch chính đã qua.
Tôm rớt giá liên tục
“Vụ thu hoạch tôm đã qua hơn 20 ngày, nhưng thương lái vẫn bảo chờ vì hàng hóa không lưu thông được. Chúng tôi không còn cách nào, giờ phải bỏ thêm chi phí mua thức ăn duy trì tôm trong đìa”, ông Nguyễn Ngọc Hưng, ngụ xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, cho biết.
Theo ông Hưng, hồi tháng 6, thương lái đi khảo sát đìa và đặt cọc tiền để “xí chỗ” mua khi tôm lớn. “Thời điểm đó, tôm còn được giá nên thương lái đi đặt hàng trước. Nhưng dịch bệnh ập đến, hàng hóa không lưu thông khiến thương lái không dám bốc tôm khỏi đìa”, ông Hưng chia sẻ.
Tỉnh Khánh Hòa đang tồn cả trăm tấn tôm. Ảnh: An Bình.
Xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, được xem là thủ phủ nuôi tôm thẻ của tỉnh Khánh Hòa. Hiện, cả trăm hộ nuôi đứng ngồi không yên khi tôm không bán được, trong khi giá liên tục hạ.
“Đầu tháng 8, giá tôm dù rớt xuống còn 75.000-78.000/kg (loại 100 con), chúng tôi vẫn còn bán được hàng dù nhỏ giọt. Nhưng nay giá xuống chỉ còn 55.000-60.000 đồng/kg mà cũng không ai thu mua”, ông Lê Quang Duy, ngụ xã Vạn Thọ, buồn bã nói.
Theo ông Duy, với gần 3 ha tôm thẻ chân trắng, có thương lái thu mua xuất bán hết một lần gia đình lỗ hơn 1 tỷ đồng.
“Số tiền lỗ đó tôi chưa tính vào công chăm sóc và tôm hao hụt trong quá trình nuôi. Nếu tính hết số lỗ còn tăng nữa. Nhưng cái chúng tôi lo hơn là chưa ai thu mua, nếu nuôi thêm phải bỏ chi phí thức ăn rất lớn”, ông Duy nói.
Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội nông dân xã Vạn Thọ, cho biết toàn xã có gần 70 ha nuôi trồng thủy hải sản. Trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm phần lớn.
Theo ông, năm nay do dịch bệnh kéo dài nhiều hộ không có vốn để tái sản xuất. “Hiện giá tôm xuống quá thấp, trong khi thức ăn cho tôm lại tăng cao nên người nuôi trồng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn. Vụ tôm đã qua gần tháng mà thương lái không đi mua. Nhiều hộ nuôi hiện không xuất bán được, ai cũng nóng ruột nhưng không có cách nào tháo gỡ”, ông Khánh cho biết.
Xuất khẩu ngưng trệ
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Vạn Ninh, cho rằng dịch bệnh đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc nuôi trồng cũng như tiêu thụ thủy hải sản của bà con nông dân.
“Tôm của bà con chủ yếu xuất đi Trung Quốc, nhưng thị trường này đang hạn chế nhập hàng nên tồn đọng rất nhiều. Trong khi thị trường nội địa cũng không lưu thông được do giãn cách xã hội. Tôm tồn đọng, rớt giá khiến người nuôi thiệt đơn, thiệt kép”, ông Minh phân tích.
Cầm trong tay hợp đồng xuất khẩu tôm đã ký với đối tác, nhưng ông Thành, Giám đốc Công ty TNHH T.V, chỉ thở dài: “300 tấn tôm thẻ chân trắng theo các hợp đồng đã ký từ đầu năm chỉ mới xuất được hơn 50 tấn. Còn 250 tấn bị ách lại, chưa dám thu mua vì thị trường bên Trung Quốc đóng băng, hàng hóa lưu thông không được”.
Theo ông Thành, không riêng gì doanh nghiệp mình bị tình trạng có hợp đồng mà không thể xuất hàng. Nhiều công ty khác cũng chịu chung cảnh ngộ vì dịch bệnh kéo dài.
“Công ty đã xin đủ giấy tờ phía Việt Nam để lưu thông hàng hóa, nhưng phía đối tác không nhận hàng vì bên đó cũng đang dịch bệnh căng thẳng”, ông Thành cho biết.
Cuối tháng 8, phía đối tác báo với ông sẽ triển khai nhận hàng, nhưng với số lượng hạn chế.
“Doanh nghiệp chưa hết vui mừng thì gặp ngay quy định hàng qua cửa khẩu tài xế phải giao xe cho phía Trung Quốc lái, chuyển tiếp hàng hóa để đảm bảo phòng chống dịch. Hàng và xe đi mà phía mình không có người giám sát. Nói thật, cái này làm khó doanh nghiệp vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đối với hàng thủy sản có giá trị. Doanh nghiệp cũng đang cân nhắc, chưa dám thu mua để xuất đi dịp này”, ông Thành cho biết thêm.
Chủ tịch Hội nông dân huyện Vạn Ninh Lê Hồng Minh, cho biết các hộ nuôi thủy sản bị ảnh hưởng của dịch bệnh không nằm trong gói hỗ trợ của Chính phủ.
"Huyện đã kiến nghị cấp trên chỉ đạo ngân hàng giảm lãi suất, gia hạn thời gian vay hoặc khoanh nợ để họ vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Minh nói.
Cần thay đổi tập quán nuôi trồng
Theo Phòng kinh tế huyện Vạn Ninh, vụ nuôi này, toàn huyện có khoảng 34.800 lồng đang nuôi tôm hùm, trong đó có khoảng 6.000 lồng nuôi tôm hùm đang tới thời điểm xuất bán, sản lượng khoảng 210 tấn.
Hiện, huyện Vạn Ninh có khoảng 300 ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó có khoảng 200 ha đang thu hoạch.
Hàng trăm người nuôi tôm đang lo lắng vì tôm rớt giá, thương lái không thu mua. Ảnh: An Bình.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc thu hoạch, tiêu thụ tại các vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn tồn khoảng 150 tấn thủy sản nuôi, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, tôm sú và ốc hương đến vụ nhưng chưa thu hoạch được.
Ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết do khó khăn về thị trường tiêu thụ nên nông dân nuôi trồng thủy sản cần lưu ý theo dõi sát diễn biến và thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý.
Theo ông Én, tôm thẻ chân trắng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản tỉnh Khánh Hòa.
Hiện, dịch bệnh phức tạp, kéo dài thì những hộ nuôi nhỏ lẻ sẽ gặp rất nhiều khó khắn. Trong khi đó các hộ nuôi theo quy hoạch, diện tích lớn và áp dụng khoa học vào quá trình nuôi sẽ nắm lợi thế.
Theo ông, các hộ nuôi đúng quy hoạch, áp dụng khoa học vào quá trình nuôi, tôm thương phẩm có xuất xứ rõ ràng sẽ được các công ty ký hợp đồng thu mua, bao tiêu.
"Dịch bệnh vẫn chưa kết thúc. Các hộ nuôi có áp dụng khoa học vẫn chịu cảnh tiêu thụ chậm, nhưng họ luôn có doanh nghiệp đứng sau hậu thuẫn. Trong khi các hộ nuôi tự phát, nhỏ lẻ sẽ không được hưởng những giá trị trên. Chúng tôi luôn khuyến khích người nuôi, trồng thủy sản thay đổi tư duy trong cách nuôi trồng để giảm bớt thiệt hại, rủi ro khó lường”, ông Én nhấn mạnh.
Nguồn: zingnews.vn